Tổng quan về ngành sản xuất rượu
Việc phát triển công nghiệp sản xuất rượu một mặt góp phần tăng sản phẩm cho xã hội, phục vụ đời sống con người, mặt khác chính ngành công nghiệp này cũng sẽ gây ra những tác hại lớn vì nó tạo ra một lượng nước thải lớn gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với các ngành công nghiệp khác, sự phát triển rất nhanh về số lượng doanh nghiệp với các quy mô khác nhau và tăng nhanh về sản lượng nước giải khát, rượu, bia… đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Nhưng bên cạnh đó thì hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất đều xả thải trực tiếp nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng không qua xử lý. Hơn thế nữa, phần lớn các doanh nghiệp này đề nằm trong thành phố xen với khu dân cư. Việc thải một lượng lớn chất thải hữu cơ ra môi trường sẽ tạo nguồn ô nhiễm và các ổ dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nguồn gây ô nhiễm chính của sản xuất rượu là nước thải công nghiệp với lưu lượng lớn, tải lượng các chất bẩn hữu cơ cao, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, vì vậy mà cần phải có hệ thống xử lý nước thải cơ sở sản xuất rượu trước khi xả thải ra ngoài nguồn tiếp nhận.
Quy trình sản xuất rượu vang
Nguồn gốc phát sinh nước thải sơ sở sản xuất rượu
Nước thải sản xuất rượu gồm 3 loại:
- Nước thải chứa hàm lượng thấp chất hữu cơ: Nước rửa trái cây, nước rửa chai lọ sau cùng, nước vệ sinh nhà xưởng, nước vệ sinh từ sinh hoạt của công nhân.
- Nước thải chứa nhiều chất hữu cơ: Nước công đoạn nấu; công đoạn lên men và lọc bia; nước rửa chai lọ ban đầu, nước vệ sinh bồn ủ; nước ép từ giai đoạn ép chảy tràn; nước xả cặn từ bồn lên men; nước loại bỏ nấm mốc và nấm men.
- Các loại chất thải rắn: chai lọ vỡ, thùng hư, trái cây hư hỏng, cuống nho, bao bì hỏng, rác thải sinh hoạt của công nhân….
Thành phần và tính chất nước thải sản xuất rượu:
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng khác nhau mà nước thải của nhà máy sản xuất rượu vang là khác nhau. Có thể phân thành như sau:
– Nước do hơi ngưng tụ, nước làm lạnh thường ít hoặc không ô nhiễm nên có thể thải trực tiếp hoặc xử lý sơ bộ để tái sử dụng. Đây là nguồn nước tương đối sạch chiếm khoảng 30% so với tổng lượng nước thải.
– Nước thải chứa dầu mỡ, dòng thải này có lưu lượng nhỏ có thể xử lý bằng cách nhập về bể phân ly có kết cấu đặc biệt để tách dầu. Dòng thải này không cần xử lý nếu quá trình tách dầu đảm bảo nước thải thấp có hàm lượng dầu thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.
– Nước thải từ vệ sinh thiết bị, nấu, lên men, thùng chứa, máy lọc… chiếm một lượng lớn và nguồn ô nhiễm cần phải xử lý. Nước thải này chưa nhiều chất hữu cơ dễ chuyển hóa sinh học. Nếu không được xử lý, nước thải loại này sẽ là môi trường rất thích hợp cho vi sinh vật phát triển, kể cả vi sinh vật gây bệnh. Nước thải loại này còn gây ô nhiễm thứ cấp do lên men các chất hữu cơ sinh ra các axit hữu cơ: butyric, propionic, lactic… phân hủy protein tạo các axit amin và các amin đặc trưng của sự thối rữa gây mùi khó chịu. Các sản phẩm này cũng với các chất khí NH3, CH4, H2S gây ô nhiễm không khí.
– Nước thải sinh hoạt, nước mưa, nước thải bộ phận xử lý nước ngầm. Dòng này không lớn, ít gây ô nhiễm, có thể thải trực tiếp ra cống thải.
Nước thải trong quá trình sản xuất rượu chủ yếu từ các quá trình:
Nguồn thải trong khâu rửa, sơ chế: đây là khâu sử dụng nhiều nước, vì vậy mà lượng nước thải trong khâu này khá lớn. Đặc điểm nước thải của khâu này là có nhiều cặn lắng, nhiều mảnh vụn vỏ, là cuống của quả, và các thành phần của thịt quả.
Nước thải trong khâu lọc: các doanh nghiệp sử dụng lọc bông để lọc trong rượu vang, vì vậy mà sau mỗi ca lọc phải tiến hành giặt bông. Nước sử dụng trong quá trình rửa là rất lớn. Đặc điểm của nước thải trong khâu này là nồng độ ô nhiễm chất hữu cơ cao.
Nước thải trong quá trình rửa chai: do sử dụng dung dịch NaOH làm chất tẩy rửa nên nước thải trong quá trình rửa chai có pH rất lớn (mang tính kiềm). Ngoài ra nước thải trong khâu này còn chứa nhiều vụn rác đó là lượng nhãn mác có trên chai bẩn bị rửa trôi.
Ngoài ra còn lượng nước thải từ việc vệ sinh các thiết bị chứa, ngâm, lên men…
Bảng thông số nước thải sản xuất rượu
Quy trình xử lý nước thải cơ sở sản xuất rượu
Thuyết minh quy trình công nghệ xử lý nước thải cơ sở sản xuất rượu
Nước thải ở mỗi dây chuyền sản xuất được thu gom bằng hệ thống mương thu nước. Phía trước bể gom có đặt song chắn rác để loại bỏ các tạp chất có kích thước lớn trong nước thải để tránh gây tắc nghẽn cho các công trình xử lý sau.
Sau đó, nước thải được bơm lên bể điều hòa nhằm ổn định lưu lượng và nồng độ. Tại bể điều hòa, có bố trí máy khuấy trộn chìm nhằm mục đích hòa trộn đồng đều nước thải trên toàn diện tích bể, ngăn ngừa hiện tượng lắng cặn ở bể, sinh ra mùi khó chịu.
Nước thải tiếp tục đi qua bể kỵ khí do hàm lượng BOD và COD trong nước thải khá cao. Nên đưa qua bể kỵ khí để giảm hàm lượng chất hữu cơ xuống mức thấp để đưa qua bể Anoxic. Nước thải sau khi qua bể kỵ khí sẽ đi qua bể Anoxic.
Trong bể Anoxic, dưới tác dụng của hai động cơ khuấy trộn hoạt động liên tục đặt ở đầu và cuối bể tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật thiếu khí loại bỏ các hợp chất chứa nitơ có trong nước thải. Việc đặt bể thiếu khí trước bể Aerotank có tác dụng tận dụng nguồn cacbon có trong nước thải nhưng cần tuần hoàn nước từ bể Aerotank về bể Anoxic để xảy ra quá trình khử nitrate hóa chuyển nitơ từ dạng NO3- về dạng nitơ phân tử N2 được diễn ra hoàn toàn.
Sau thời lưu nước tại bể thiếu khí, hỗn hợp bùn với nước thải tiếp tục chảy tràn qua bể hiếu khí Aerotank. Tại đây dưới tác dụng của hệ thống phân phối khí đặt dưới đáy bể cung cấp lượng oxy hòa tan cần cho vi sinh vật hiếu khí sử dụng các hợp chất hữu cơ làm chất dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển, đồng thời chất hữu cơ trong nước thải giảm đi đáng kể và xảy ra quá trình nitrate hóa chuyển nitơ từ dạng NH4+ thành NO3-. Lưu lượng nước tuần hoàn từ bể Aerotank về bể Anoxic bằng 1,5 – 2 lần lưu lượng vào bể và được bơm bằng hai bơm nước thải hoạt động luân phiên. Sau thời gian lưu tại bể hiếu khí, hỗn hợp bùn và nước chảy tràn qua bể lắng.
Bể lắng có nhiệm vụ lắng và cô đặc bùn hoạt tính đến nồng độ nhất định ở phần dưới đáy bể và được hai bơm bùn luân phiên nhau bơm về bể Aerotank để duy trì mật độ vi sinh trong bể đảm bảo hiệu quả xử lý, phần bùn dư theo đường ống bơm qua bể chứa bùn.
Phần nước trong phía trên chảy tràn qua máng răng cưa và tự chảy sang bể khử trùng để loại bỏ các loại vi sinh vật gây bệnh trong nước thải trước khi thải ra môi trường. Lượng chlorine được cung cấp vào ở ngăn đầu của bể khử trùng bằng hai bơm định lượng hoạt động luân phiên nhau.
Nước thải sau khi qua bể khử trùng đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT sẽ được thải ra nguồn tiếp nhận.
Ưu điểm của công nghệ xử lý nước thải cơ sở sản xuất rượu trên:
– Hiệu quả xử lý cao.
– Đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải.
– Chịu được sự thay đổi tải trọng và lưu lượng đột ngột.
– Hệ thống hoạt động ổn định.
– Vận hành dễ dàng, chi phí vận hành thấp.
– Chi phí lắp đặt thiết bị được giảm bớt do hệ thống đa phần hoạt động theo chế độ tự chảy.
Thông tin chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ Ý TƯỞNG XANH
NHÀ MÁY SẢN XUẤT : Yên Lạc-Cần Kiệm-Thạch Thất-Hà Nội
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH : V11-B03 Khu đô thị The Terra An Hưng phường La Khê Quận Hà Đông – HÀ NỘI
Email: Info.greic@gmail.com
Điện thoại: (+84) 0905491191
Để lại một bình luận